Bệnh trĩ có nguy hiểm không ?



Bệnh Trĩ là một bệnh thường gặp với các triệu chứng như đau rát, chảy máu, sa búi trĩ và ngứa hậu môn. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống.

Bệnh phát triển từ từ nên thường bị bệnh nhân bỏ qua, đến khi thấy cần phải chữa trị thì bệnh đã nặng rồi.

Đối tượng nào thường hay bị trĩ?

Chưa có câu trả lời chính xác nhưng có một số đối tượng chủ yếu mà nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới đều kết luận:

Những người phải đứng nhiều, ngồi lâu, ít vận động: nhân viên văn phòng, bán hàng, lái xe, thợ may,...

Những bệnh nhân mắc bệnh táo bón kinh niên: khi đi tiêu phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng ống hậu môn khiến các búi trĩ to dần và sa ra ngoài. Phân cứng do táo bón cọ sát gây đau rát chảy máu.
Những bệnh nhân bị kiết lỵ: Cũng do phải đi cầu nhiều lần trong ngày làm gia tăng áp lực trong ổ bụng và làm tăng thể tích của búi trĩ.

Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai và cho con bú càng dễ bị trĩ và táo bón, vì ngoài những nguyên nhân thông thường gây ra táo bón và trĩ như thói quen ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước, ít vận động,.... Phụ nữ mang thai và cho con bú còn phải chịu thêm những nguyên do khác, mà nhiều khi là “bất khả kháng”: Khi có thai, áp lực bụng tăng cao, nhất là ở thời kỳ cuối. Sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch ngày càng cao, ảnh hưởng đến sự hồi lưu của máu, làm cho trùm tĩnh mạch trĩ bị xung huyết, mở rộng ra. Hậu quả là tình trạng bí đại tiện tăng thêm, đoạn cuối trực tràng và hậu môn bị nứt, khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ. Táo bón trong lúc mang thai là bệnh thường gặp, do phải bổ sung canxi và sắt, cũng như thường ít vận động hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh trĩ.

Phụ nữ cho con bú: thường mắc bệnh trĩ do hậu quả của quá trình mang thai để lại, đồng thời trong thời gian cho con bú, thường có thói quen kiêng khem trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt.

Ngoài ra trĩ còn xuất hiện ở những bệnh nhân mắc các bệnh khác như: Hội chứng ruột kích thích, tăng áp lực trong ổ bụng, u bướu vùng hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh, các bệnh mãn tính như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ...

Bệnh trĩ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đi tiêu ra máu, búi trĩ bị tắc gây đau, đi tiêu khó khăn... đã hành hạ họ và làm cho bệnh nhân suốt ngày ở trong một tình trạng tinh thần rất không thoải mái. Hơn thế nữa, những bệnh nhân bị bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất trễ vì đây là một bệnh của vùng kín, nên bệnh nhân thường rất ái ngại đi khám bệnh, nhất là đối với phụ nữ.

Biểu hiện của trĩ

Bệnh trĩ thường biểu hiện ra ngoài thông qua hai triệu chứng chính là chảy máu và sa búi trĩ.

Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy sau khi đi cầu hoặc nhìn thấy vài tia máu nhỏ dính vào phân. Về sau mỗi khi đi cầu thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa cứ mỗi lần đi cầu, đi lại nhiều hay ngồi xổm thì máu lại chảy. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.

Sa búi trĩ xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào và thường xuyên nằm ngoài hậu môn.

Ngoài hai triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như viêm nhiễm, tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe...