Gỏi đu đủ Lào, gỏi khô bò Việt Nam… là các món ăn chơi nổi tiếng và được yêu thích.
Gỏi đu đủ là một món ăn quen thuộc và khá phổ biến tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia… Nhưng tùy thuộc vào văn hóa, phong tục mà món gỏi ở mỗi nơi, mỗi vùng lại có sự khác biệt, mang đến cho người ăn những cảm nhận mới lạ.
Som tam Thái: Cay nồng đặc trưng
Người Thái Lan gọi gỏi đu đủ ba khía là Som tam. Đây là món ăn rất nổi tiếng của ẩm thực Thái. Gỏi đu đủ ba khía có những nét tương đồng như gỏi đu đủ Việt nhưng cách chế biến và nguyên liệu đi kèm phức tạp hơn. Hương vị chính của gỏi là chua và cay. Nguyên liệu trong món ăn này cũng được sử dụng khá đặc biệt, tép khô còn nguyên vỏ, tép mỡ, tỏi, ớt, cà chua, nước mắm hoặc mắm tôm. Sau khi giã hết phần gia vị xong mới cho đu đủ vào vừa giã nhẹ, vừa đảo để gỏi thấm đều gia vị với nhau nhưng các nguyên liệu khi ăn vẫn giòn và không bị nát.
Nguyên liệu:
Đu đủ trái: 300g
Ba khía muối: 100g
Mỡ heo: 50g
50g tôm khô nguyên vỏ, 70g đậu đũa, 15g ớt khô trái, 20g ớt tươi, 30g tỏi, 1 trái dưa leo, 1 chén rau húng quế, 70g đậu phộng.
Gia vị: Nước cốt chanh, nước mắm, đường.
Cách làm:
Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch, dùng dao băm theo chiều dọc trái đu đủ rồi bào thành sợi nhỏ, ngâm vào nước đá. Mỡ heo rửa sạch, xắt miếng nhỏ, thắng cho ra nước. Đậu đũa tước xơ, luộc chín. Cà chua xắt múi. Rau quế bỏ cọng, rửa sạch, thái nhỏ. Đậu phộng rang vàng, bỏ vỏ lụa, giã làm hai. Tôm khô ngâm nước cho mềm. Tỏi bóc vỏ.
Cho tôm vào trong cối giã giập, trút ớt, đường, tỏi vào giã tiếp cho quyện với tôm. Cho nước mắm, nước cốt chanh vào trộn đều, trút đu đủ vào, giã nhẹ cho đu đủ thấm gia vị. Sau cùng, cho ba khía, đậu đũa, dưa leo, rau quế vào trộn đều.
Cho gỏi ra đĩa, rắc đậu phộng rang, tóp mỡ vào. Dùng kèm với bắp cải và cơm nếp.
Gỏi đu đủ Lào: Món ăn may mắn
Người Lào gọi món gỏi đu đủ của mình là Lap. Nguyên liệu cho món Lap, ngoài đu đủ bào, thường có thêm thịt gà, bò, lợn… Lap được ăn kèm với mắm nêm cá đồng, mắm ruốc pha với tỏi, tớ, nước cốt chanh, cà chua và cà pháo. Lap khi ăn có vị giòn khá cay. Món gỏi này được người Lào dùng trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết. Vào những ngày Tết, người Lào phải chuẩn bị món này rất cẩn thận vì nếu không sẽ mang lại điểm xui xẻo cho người thưởng thức.
Nguyên liệu:
Đu đủ; 250g
Tôm khô: 100g
50g cà pháo, 50g đậu phộng, 30g ớt, 30g tỏi, 1 trái chanh.
Gia vị: Muối, đường, nắm tôm
Cách làm:
Đu đủ gọt vỏ, bào mỏng, ngâm nước đá. Tôm khô ngâm nước cho mềm. Đậu đũa tước xơ, cắt khúc ngắn, luộc chín. Tỏi bóc vỏ lụa. Chanh vắt lấy nước cốt, bỏ hạt. Cà pháo xắt làm đôi. Ớt xắt lát.
Cho ớt, muối, tỏi, đường vào cối đá, giã nhỏ, tiếp tục cho tôm khô, đậu phộng, nước cốt chanh vào giã nhẹ tay. Trút đu đủ bào sợi, mắm tôm, cà pháo vào đảo nhẹ.
Cho gỏi ra đĩa, cho đậu phộng, đậu que lên. Dùng kèm với cơm nếp.
Gỏi khô bò Việt Nam: Qùa vặt ăn là ghiền
Với người Việt, món gỏi đu đủ khá đơn giản, gồm có đu đủ bào sợi, trộn trung với rau thơm, đậu phộng rang, tôm, mực, lỗ tai heo hoặc khô bò,… Khi ăn mới cho nước mắm chua ngọt lên, trộn đều và ăn kèm với bánh tráng hoặc bánh phồng tôm. Nước mắm chua ngọt là thành phần quyết định tới việc ngon, dở của món gỏi. Tùy khẩu vị và sở thích mà người ta cho giấm hay nước cốt chanh để tạo hương vị chua. Rau thơm đi kèm thường là húng quế, húng lủi, kinh giới… được thái nhỏ.
Nguyên liệu:
Khô bò: 100g
Gan chấy: 50g
Đu đủ: 300g
1/2 củ cà rốt, 100g đậu phộng, 20g rau răm, 20g rau quế, 1 thìa súp nước mắm, 2 thìa súp đường, 1 thìa súp nước cốt chanh, 1 thìa cà phê ớt băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê tương ớt, bánh phồng hoặc bánh đa.
Cách làm:
Khô bò xé sợi hoặc thái miếng nhỏ.
Gan thái hạt lựu vừa.
Đu đủ bào vỏ, bỏ hạt bào sợi, ngâm nước đá cho giòn, hết mủi, vớt ra để ráo.
Cà rốt bào vỏ, xắt sợi nhỏ, ngâm nước đá. Đậu phộng rang vàng, bỏ vỏ lụa, giã làm đồi. Rau răm, rau quế nhặt lấy lá, rửa sạch, xắt sợi nhỏ. Bánh phồng hoặc bánh đa cho vào chảo đầu nóng chiên nở.
Quậy đều đường, nước cốt chanh, ớt băm, tỏi băm, tương ớt, nước mắm với nhau để làm nước trộn gỏi.
Cho cà rốt, đu đủ, rau răm, rau quế, khô bò, gan chấy vào đĩa, rắc đậu phộng lên, khi ăn rưới nước trộn gỏi vào. Ăn kèm với bánh phồng tôm hoặc bánh đa chiên.