dân gian gọi là “bệnh lòi dom” là bệnh giãn quá mức đám rối tĩnh mạch của vùng hậu môn và trực tràng với hai triệu chứng chính là chảy máu đỏ tươi khi đi cầu và sa búi trĩ ra ngoài hậu môn. Lúc đầu búi trĩ tự vào được, về sau không vào lại được mà phải lấy tay đẩy vào và cuối cùng không thể đẩy vào được…
Bệnh trĩ có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao, nhất là ở lứa tuổi 30 – 60 và nữ giới nhiều hơn nam giới. Người mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nguy hiểm nên thường bỏ qua, đồng thời vì bệnh ở vùng kín đáo nên người bệnh ngại đi khám, nhất là phụ nữ. Bệnh trĩ thường do ba nguyên nhân gây ra:
1. Mắc bệnh kiết lị và táo bón: Ở những người này mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong ống hậu môn tăng lên khoảng 10 lần nên dễ gây ra bệnh trĩ.
2. Tư thế đứng, ngồi: Những người phải thường xuyên đứng lâu hay ngồi nhiều như nhân viên bán hàng, vận động viên cử tạ, quần vợt, cán bộ, nhân viên văn phòng, lái xe đường dài…
3. Tăng áp lực trong khoang ổ bụng: Hay gặp ở những người lao động chân tay nặng nhọc, những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính…
Bệnh trĩ có 3 loại:
a. Trĩ nội: Là đám rối tĩnh mạch trĩ nội nằm trong ống hậu môn phình to lên. Có bốn phân độ trĩ nội tuỳ theo triệu chứng sa búi trĩ:
- Trĩ nội độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn, không sa ra ngoài khi đi cầu, triệu chứng chủ yếu là chảy máu khi đi cầu.
- Trĩ nội độ 2: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, khi đi cầu búi trĩ sa ra ngoài hậu môn nhưng sau khi đi cầu xong búi trĩ này tự tụt vào.
- Trĩ nội độ 3: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, khi đi cầu, làm việc nặng hay ngồi xổm búi trĩ sẽ sa ra ngoài hậu môn, phải dùng tay đẩy mới tụt vào ống hậu môn.
- Trĩ nội độ 4: Búi trĩ nằm thường xuyên bên ngoài hậu môn, không thể dùng tay đẩy vào được.
b. Trĩ ngoại: Là đám rối tĩnh mạch trĩ ngoại giãn to nằm dưới da quanh hậu môn, trĩ ngoại không có triệu chứng chảy máu. Khi có biến chứng tắc mạch sẽ phồng to lên và rất đau, không thể ngồi thẳng.
c. Trĩ hỗn hợp: Là sự kết hợp giữa trĩ nội độ 4 và trĩ ngoại để thành một khối gọi là trĩ hỗn hợp.
Nguyên tắc điều trị: Bổ khí thăng đề, chỉ huyết, thông kinh lạc.
Nguyên tắc phòng ngừa:
a. Đừng để bị táo bón: Nên ăn các thức ăn có nhiều chất xơ (rau các loại), uống nhiều nước. Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà-phê, thuốc lá, tiêu, tỏi, ớt…
b. Không đứng lâu, ngồi nhiều. Nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tập thói quen đi cầu đúng giờ mỗi ngày một lần.
Điều trị bằng thuốc:
Thuốc ngâm: Hoàng bá 20g, ngũ vị tử 12g, kim ngân hoa 16g, kinh giới 12g, phèn phi 12g cho vào nồi, đổ vào một lít nước đun sôi lên rồi để nguội tới khi nước còn ấm đổ qua cái thau ngồi ngâm, rửa hậu môn (vừa ngâm, vừa rửa), ngày một lần, mỗi lần từ 5 – 10 phút. Liệu trình: Đến khi hết bệnh.
Thuốc đắp: Rau sam tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào hậu môn, nơi trĩ sưng lòi ra, ngày một lần, mỗi lần từ 30 – 60 phút. Liệu trình: Đến khi hết bệnh.
Thuốc uống: Thăng ma 20g, sài hồ 20g, hoàng kì 16g, bạch truật 16g, trần bì 12g, đương quy 12g, địa du (sao đen) 12g, hoa hòe (sao đen) 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 12g.
Cách sắc thuốc:
Lần một, đổ 3 chén nước sắc còn 7 phân.
Lần hai, đổ 2,5 chén nước sắc còn 5 phân.
Lần ba, đổ 2 chén nước sắc còn 5 phân.
Sắc nước nào, uống nước đó. Uống thuốc còn nóng trước bữa ăn một giờ.
Kiêng: Đậu đen, đậu xanh, rau muống.
Điều trị bằng bấm huyệt
Vị trí huyệt:
Bách hội: Ở vùng đầu, đúng giữa đường chân tóc trán thẳng lên 5 thốn, hoặc chỗ điểm giao hội của đường dọc chính giữa đầu với đường ngang nối hai mỏm vành tai. Chữa bệnh: Trúng phong, sa trực tràng.
Trường cường: Ở chỗ điểm giữa đường nối mỏm xương cụt và hậu môn. Chữa bệnh: Trĩ, sa trực tràng.
Hội âm: Ở chỗ điểm giữa đoạn nối hậu môn và chân bìu dái (nam), chỗ điểm giữa đoạn nối hậu môn và chỗ hợp sau của gai môi lớn âm đạo (nữ). Chữa bệnh: Viêm âm đạo, viêm niệu đạo, kinh nguyệt không đều.
Hội dương: Ở vùng cùng, chỗ mỏm xương cụt ngang ra 0,5 thốn. Chữa bệnh: Khí hư, kiết lị, trĩ, ỉa chảy.
Túc tam lí: Ở vùng trước cẳng chân, dưới huyệt Độc tị 3 thốn, chỗ cách gai trước xương chày 1 khoát ngón tay giữa. Chữa bệnh: Đau gối, liệt chân, đau dạ dày, viêm tuyến vú, ăn không tiêu, táo bón, ỉa chảy. Là huyệt bồi dưỡng tổng quát cơ thể.
Khí hải: Ở vùng bụng dưới, trên đường chính giữa, chỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn. Chữa bệnh: Đau quặn bụng, kinh nguyệt không đều, đái dầm, suy nhược.
Thừa sơn: Ở chính giữa mặt sau bắp chân, chỗ lõm đỉnh góc của hai bắp cơ sinh đôi, ước chừng điểm giữa của hai huyệt Ủy trung và Côn lôn. Chữa bệnh: Chuột rút bắp chân, đau thắt lưng, đau thần kinh tọa, sa trực tràng, trĩ.
Hợp cốc: Ở mu bàn tay, giữa hai xương bàn tay thứ 1 và thứ 2, chỗ ngang điểm giữa của xương bàn tay thứ 2. Chữa bệnh: Cảm, đau đầu, đau răng, chảy máu cam, đau họng.
Lương y, võ sư NGUYỄN TẤN XUÂN
Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).