Nỗi lo âu của phụ nữ có thai bị bệnh trĩ

Trước đây 2 tháng tôi có điều trị bệnh trĩ nhưng mãi không thuyên giảm khiến tôi rất khó chịu. Xin cho tôi lời khuyên?


Hỏi: Tôi bị ho hơn 2 tuần qua, ho kéo dài liên tục vào buổi tối, mỗi khi nằm ngủ cơn ho lại dữ dội hơn. Tôi uống thuốc được một tuần không thấy khỏi, nên tôi ngừng dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, giờ tôi không biết có cách nào để tôi hết ho, vì mỗi lần ho tôi rất mệt, nước mắt cứ chảy ra. Tôi còn mắc chứng bệnh trĩ. Trước đây 2 tháng tôi đã điều trị căn bệnh này nhưng bệnh tình không thuyên giảm khiến tôi rất khó chịu. Hiện tại tôi mang thai được 27 tuần. Mong chương trình cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Kittynhu…@yahoo.com.vn
Trả lời:

Xin chào bạn!

Ho kéo dài là triệu chứng của một số căn bệnh nguy hiểm như viêm phổi, dạ dày trào ngược, viêm xoang… Nếu bạn không biết rõ nguyên nhân gây ho mà cứ mua thuốc uống bừa bãi thì rất nguy hiểm đến sức khỏe đặc biệt khi bạn đang mang bầu. Việc bạn ngừng sử dụng thuốc sau khi uống một tuần mà không khỏi là hoàn toàn đúng. Việc đầu tiên bạn nên làm lúc này là đến bệnh viện để khám, tìm hiểu nguyên nhân gây ho.

Cùng với đó, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc nam chữa họ rất hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và thai nhi như chữa bằng quất (2 quả quất, 1 thìa đường, vài lát gừng ....đem hấp lên (hấp được trong nồi cơm là tốt và hiệu quả nhất)); lá bạc hà hoặc trước khi đi ngủ nên uống một cốc nước đường nhẹ sẽ giảm được cơn ho trong khi ngủ.



Bệnh trĩ khá phổ biến ở bà bầu. (Ảnh minh họa)

Về căn bệnh trĩ bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

Trĩ là căn bệnh khá phổ biến - chiếm 50% - ở bà bầu, nguy cơ mắc bệnh trĩ tỷ lệ thuận với sự lớn lên và phát triển của thai nhi. Có hai nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là lượng máu tăng và táo bón.

Quá trình mang thai khiến phụ nữ dễ bị trĩ, búi trĩ, chảy máu lợi hơn do tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Điều này khiến các tĩnh mạch dãn nở, đặc biệt là khu vực xương chậu do chịu áp lực từ trọng lượng của túi ối. Táo bón - một trong những chứng phổ biến khi mang thai - cũng là “thủ phạm” gây ra hoặc góp phần làm tình trạng trĩ thêm trầm trọng.

Biểu hiện của bệnh là bạn thấy đau đớn, sưng phồng các huyết mạch ở hậu môn và trực tràng, thậm chí còn chảy máu.

Vậy làm thế nào để giảm đau do bệnh trĩ gây ra mà vẫn an toàn? Dưới đây là những cách chữa bệnh trị khá hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc bạn có thể tham khảo:

- Chườm bằng túi lạnh: Bạn có thể dùng đá lạnh hoặc túi nước lạnh để chườm lên vùng hậu môn hàng ngày để giảm cảm giác đau đớn do sưng tấy.

- Giữ vệ sinh vùng hậu môn: Sau mỗi lần đi toilet, bạn nhớ phải vệ sinh vùng hậu môn thật sạch sẽ bằng loại giấy mền, khăn ướt không tẩm hương thơm hay chất cồn. Tránh dùng những loại giấy khô gây tăng tình trạng nghiêm trọng của bệnh.

- Tắm nước ấm: tắm nước ấm và ngâm mình trong nước ấm không chỉ khiến bạn có cảm giác thoải mái mà còn giúp bệnh trĩ thuyên giảm đáng kể do máu được kích thích lưu thông dễ dàng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên ngâm mình trong nước ấm hàng ngày.
Bệnh trĩ - Nỗi sợ của bà bầu - 2
Bà bầu không nên ngồi quá lâu.(Ảnh minh họa)

- Tránh ngồi quá lâu: Việc ngồi một chỗ quá lâu sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng mức độ nặng của bệnh trĩ. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đi lại hoặc nằm xuống nghỉ ngơi thay vì ngồi quá lâu.

- Tránh hiện tượng táo bón bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước.
- Tập luyện thể thao cũng là phương pháp hữu hiệu chữa bệnh trĩ. Chỉ đơn giản là đi bộ hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu, tập kegel cũng rất tốt.

- Không nên tự ý dùng thuốc: Việc dùng thuốc trong giai đoạn mang thai có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và an toàn của thai nhi. Vì vậy, khi muốn dùng thuốc, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chú ý: Nếu đã áp dụng tất cả các cách trên mà bệnh tình không thuyên giảm cộng với hiện tượng ngày càng nghiêm trọng hơn, bạn cần tìm đến bác sĩ ngay.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!
(Eva.vn )