Bài thuốc kết hợp từ những cây dược liệu quý chữa trĩ tận gốc

Bài thuốc kết hợp từ những cây dược liệu quý chữa trĩ tận gốc của người Mường. Mặc dù chúng ta có thể chữa trĩ bằng nhiều cách những cách nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Các bài thuốc gia truyền cũng được sử dụng nhiều nhưng chưa có đề tài khoa học nào nghiên cứu chính xác cả!
Từ thị trấn Kim Bôi (Hòa Bình) về bản Lầm Ngoài, xã Nuông Dăm chỉ khoảng 30km nhưng chúng tôi cũng phải đi xem máy tới gần 2 tiếng đồng hồ, lội qua 3 con suối, băng qua 5 cánh rừng mới đặt chân được đến nơi. Được biết vùng đất Kim Bôi vốn là 1 trong 4 xứ Mường Vang nổi tiếng (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động). Ở đây không chỉ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Mường mà còn lưu giữ những bài thuốc quý dân gian chữa khỏi những căn bệnh mà người miền xuôi vẫn còn đang loay hoay tìm cách chữa trị.
Bài thuốc kết hợp từ những cây dược liệu quý
Đó là ông lang Bùi Văn Tô, 50 tuổi, trú tại bản Lầm Ngoài, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Nhìn thấy chúng tôi quần áo lấm lem bụi đất, ông Tô biết là khách ở xa đến nên mời vào nhà và còn cẩn thận bảo cô con gái út dẫn chúng tôi ra bể nước rửa mặt mũi chân tay. Nghĩ là người bệnh đến lấy thuốc, ông Tô liền hỏi: “Các chú bị bệnh gì mà lặn lội từ xa đến đây?”. Sau khi đặt ba lô xuống, chúng tôi nói rõ với ông về mong muốn tìm những bài thuốc quý dân gian để giới thiệu với bạn đọc, nhất là những người chẳng may mắc bệnh có điều kiện được chữa trị.
Ông Tô bên những cây dược liệu.

Từ lâu, đồng bào vùng cao sống trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại thường xuyên ở nơi “rừng thiêng núi độc”, do vậy để thích nghi người dân nơi đây đã tìm ra nhiều cây dược liệu và cách chế những bài thuốc dân gian để chạy chữa cho chính những người thân trong gia đình và cho bà con trong bản, trong vùng. Ông Tô cười khà khà nói với chúng tôi: “Ở đây là vậy, từ nhiều đời nay cha ông chúng tôi đã truyền lại, chứ có được qua trường lớp nào đâu”.

Qua trò chuyện được biết bài thuốc của gia đình ông do các cụ truyền lại từ đời này qua đời khác, nhưng cụ thể là từ đời nào thì ông chẳng nhớ. Các bài thuốc gia truyền nhà ông có thể chữa được bệnh xơ gan, bệnh máu nhiễm mỡ, sỏi thận và viêm khớp. Nhưng được nhiều người biết đến nhất là bài thuốc chữa bệnh trĩ. Người dân địa phương thì gọi đó là bệnh “lòi dom”. Hiện nay, có rất nhiều người mắc bệnh trĩ, nhất là tại các thành phố lớn, phần lớn trong số họ đều đang loay hoay tìm cách điều trị rứt điểm, kể cả phẫu thuật cắt bỏ.
Tuy nhiên, ông Tô lại khẳng định: “Cái bệnh này có gì khó cơ chứ chỉ chịu khó uống thuốc trong thời gian 3 tháng đồng thời kiêng kị chất tanh như tôm cua cá, kể cả thịt bò, thịt gà, chỉ nên ăn thịt nạc thăn sau khi đun kỹ. Trong thời gian này, người bệnh chỉ nên ăn thức ăn như rau xanh, trái cây để đi cầu dễ dàng, tránh ăn các thức ăn có nhiều gia vị nhất là ớt tiêu, tuyệt đối không dùng các thức uống có cồn và bia. Cần có cuộc sống điều độ, tránh căng thẳng và tránh các môn thể thao vận động mạnh... thì chẳng mấy mà khỏi dứt điểm”.
Nhưng còn với những bệnh nhân nặng thì cần phải được ông thăm khám và có cách điều trị riêng, đặc biệt với từng trường hợp. Khi tìm hiểu về những vị thuốc trong bài thuốc chữa bệnh trĩ ông không hề có ý giấu giếm dù đó là bài thuốc gia truyền của gia đình. “Các cây thuốc thì dễ kiếm, nhưng việc kết hợp chúng với nhau mới là điều quan trọng. Đối với từng trường hợp bệnh cụ thể có thể tăng hoặc giảm các vị thì bài thuốc mới đem lại kết quả, người bệnh mới khỏi được bệnh”, ông Tô cho biết.
Bài thuốc chữa bệnh trĩ của gia đình ông gồm các loại: Cây ngái, cùn gấc, rạch gấc, xạ đen, xạ vàng chủ yếu là ông tìm trên những cánh rừng già quanh bản. Sau khi lấy về ông Tô rửa sạch, chế biến rồi phơi khô nên có thể để được lâu. Về việc uống thuốc cũng rất đơn giản mỗi ngày bốc một vốc tay chặt rồi bỏ vào siêu đổ chừng 1 lít nước đun sôi khoảng 5 phút thì bắc ra uống thay uống nước hàng ngày. Uống hết lại tiếp tục đun như vậy cho đến khi siêu thuốc nhạt nước thì thôi.
Qua tìm hiểu, bệnh trĩ không trừ một ai kể cả những người bị bệnh viêm phế quản mạn, dãn phế quản nên bị tăng áp lực xoang bụng do lao động nặng, do ho cũng có thể bị bệnh trĩ. Nhất là những người ít vận động hoặc làm việc với tư thế đứng lâu hoặc ngồi nhiều suốt ngày như thợ may, nhân viên văn phòng thì nguy cơ bị bệnh càng cao. Đặc biệt ở ở phụ nữ mang thai với tử cung lớn dần chèn ép các tĩnh mạch trĩ gây ứ đọng máu trong tĩnh mạch. Khi bệnh mới biểu hiện thường khó phát hiện nhưng đến giai đoạn sưng, ngứa, đau hậu môn và nặng nhất là chảy máu ngoài khi đi cầu thì đó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh ở đại tràng, trực tràng, thậm chí nguy hiểm hơn là dẫn đến ung thư trực tràng.
Những trường hợp này ngoài việc uống thuốc ông Tô còn dùng các loại lá cây thuốc đắp trực tiếp vào hậu môn. “Riêng việc này thì tôi không thể tiết lộ được nhưng đảm bảo dù có bị trĩ lồi ra ngoài tôi chỉ cần đắp lá thuốc trong vòng 3 ngày là đi lại bình thường được”, ông Tô nói.

Ông lang của bệnh nhân nghèo
Để minh chứng điều mình nói, ông đưa ra cho chúng tôi xem một cuốn sổ dày cộp ghi rõ ràng địa chỉ và bệnh tình của những người mắc phải căn bệnh này đã được ông chữa khỏi: Từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Ninh, Hải Phòng... Với ông Tô, bốc thuốc chữa bệnh như cái nghiệp của mình nên ông không từ chối bất kỳ bệnh nhân nào đến nhờ ông giúp. Ông nhớ lại trong một lần lên bệnh viện thăm người thân. Lúc ngồi ở sân bệnh viện trò chuyện với một người đàn ông tầm tuổi ông. Qua câu chuyện được biết tên người đó là ông Đinh Công Bính, 55 tuổi người xã Tây Phong, Cao Phong,  Hòa Bình lên điều trị bệnh trĩ nhưng đã qua nhiều lần đi lại bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Ông Tô chỉ nói: “Nếu anh để tôi điều trị bệnh của anh sẽ khỏi”.
Nhưng cũng phải hơn 2 tháng sau ông Bính mới tìm đến nhà ông ở Nuông Dăm. Lúc này bệnh đã nặng hơn rất nhiều, bởi theo lời kể của người bệnh thì mỗi lần đi cầu ông cảm giác là ruột muốn tuột hết ra ngoài. Được ông Tô bốc thuốc chỉ sau 2 tháng uống tích cực ông Bính đã khỏi bệnh và đến tận giờ ông vẫn đến lấy thuốc về để uống phòng xa. “Tôi bảo ông ấy bệnh khỏi rồi không cần uống nữa nhưng ông ấy không chịu. Sau này tôi đành phải cắt các loại thuốc mát cho ông ấy uống”, ông Tô cho biết.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Dinh, 35 tuổi, người cùng địa phương, mắc phải căn bệnh khó nói nên hai vợ chồng anh chị ngại không cho chụp ảnh. Theo lời kể của anh, khi chị khi sinh cháu thứ 2 thì bị bệnh trĩ nặng. Nhà nghèo nên không có tiền đi bệnh viện. Lúc này chồng anh Bùi Văn Toản 36 tuổi (chồng chị Dinh) mới đến nhờ ông Tô chữa bệnh cho vợ mình.
Anh kể: “Khi tôi đến tìm ông Tô thì vợ tôi không ngồi, không đứng được chỉ nằm một chỗ, vô cùng đau đớn. Dưới mông lúc nào cũng phải buộc mấy lần khăn, có lúc lồi lên thành một búi to”. Sau khi thăm khám ông Tô nói với với tôi: “Chú cứ đi lấy cho tôi chiếc lá rong rừng rồi rửa sạch đem về đây. Ông lấy lá thuốc tươi mang theo để vào lá rong rồi yêu cầu vợ tôi ngồi lên. Sau đó, kết hợp với thuốc uống ông Tô cho chị về và nói: “Cứ yên tâm chỉ sáng mai đâu sẽ vào đó”. “Thật kỳ lạ buổi sáng hôm sau vợ tôi hết đau có thể đi lại bình thường, búi to dưới mông cũng biến đâu mất. Để trả ơn ông tôi mua cân hoa quả, bắt con gà sống sang nhưng nói mãi mà ông không nhận, chỉ lấy cân hoa quả. Vợ chồng tôi mang ơn ông lắm”, anh Toản vui mừng nói.
Ông Bùi Xung Kích – Trưởng trạm y tế xã Nuông Dăm - cho biết: “Đối với người dân vùng cao của huyện Kim Bôi, trong dân gian vẫn còn lưu giữ những bài thuốc quý, nhất là việc dùng các loại cây dược liệu trên rừng để điều trị những bệnh thông thường. Trường hợp ông lang Bùi Văn Tô ở bản Lầm Ngoài với bài thuốc của mình đã chữa được nhiều người khỏi bệnh mà hiệu quả nhất là bệnh trĩ. Rất mong có những công trình nghiên cứu về các bài thuốc quý dân gian ở xứ Mường Vang để giúp cho nhiều người có cơ hội được chữa khỏi bệnh”.