Biến chứng nguy hiểm khi chữa trĩ bằng thuốc của lang băm. Vì bệnh ở chỗ khá nhạy cảm nên nhiều người có tâm lý e dè không đến bệnh viện (BV) mà tìm đến đắp lá, bôi thuốc của 'lang băm' dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
Nhiều người bị biến chứng khi trị bệnh trĩ bằng cách đắp lá, bôi thuốc của các 'lang băm' - Ảnh minh họa: H.M |
Hẹp hậu môn do đắp, bôi thuốc
Cách đây một tuần, phòng khám khoa Hậu môn - Trực tràng, BV Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 37 tuổi (ở Trà Vinh) đến khám với biến chứng loét, hẹp hậu môn, không thể đại tiện.
Bệnh nhân khai với bác sĩ, do đi cầu chảy máu, sau đó thấy sa ra búi trĩ nên rất lo lắng nhưng ngại đi BV. Thấy người làng 'mách nước' đến thầy lang nên bệnh nhân đi bôi thuốc gia truyền.
Tuy nhiên sau khi bôi thuốc thì bệnh nhân thấy đi cầu khó khăn hơn, phân càng ngày càng nhỏ. Cho đến khi không thể đi cầu được nữa bệnh nhân đành phải cấp tốc đến BV khám. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật tạo hình hậu môn để bệnh nhân có thể đi cầu được.
Bác sĩ Dương Phước Hưng, Trưởng khoa Ngoại 1, Trưởng phân khoa Hậu môn - Trực tràng, BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trung bình một tháng, phòng khám Hậu môn - Trực tràng của BV tiếp nhận vài trường hợp đắp, bôi thuốc gia truyền chữa trĩ gây ra biến chứng nhiễm trùng hậu môn hay hẹp hậu môn.
|
Bác sĩ Hưng cũng từng điều trị cho một phụ nữ chích xơ trĩ bị biến chứng rò trực tràng âm đạo làm phân trào qua âm đạo.
"Nhiều bệnh nhân khi đã đến khám do biến chứng đều cho biết vì bệnh ở vùng nhạy cảm nên họ mắc cỡ, ngại nên mới tìm đến đắp lá, bôi thuốc của các thầy lang", bác sĩ Hưng cho hay.
Bệnh nhân thường được cho đắp lá, bôi thuốc hoặc chích trực tiếp vào búi trĩ. Do thuốc không hề qua kiểm nghiệm hay cấp phép của cơ quan có thẩm quyền nên gây ra các biến chứng đáng tiếc.
“Không phải cứ thấy lòi búi ra là nói bị trĩ”
Bác sĩ Hưng cũng chia sẻ, nhiều trường hợp xảy ra biến chứng còn do điều trị sai khi hiểu nhầm trĩ với các bệnh lý khác về đường hậu môn.
“Không phải cứ thấy lòi búi ra là nói bị trĩ. Nếu điều trị sai bệnh hậu quả lại càng nặng nề”, bác sĩ Hưng nói.
Triệu chứng chảy máu và có búi lòi ra như trĩ có thể gặp ở các trường hợp bị nứt hậu môn, sa trực tràng, polyp, ung thư trực tràng hậu môn…
"Với bệnh nhân bị sa trực tràng mà áp dụng cách chữa trĩ như trên sẽ gây hoại tử, nếu là nứt hậu môn thì vô tình làm hậu môn càng hẹp hơn, còn nếu đó là polyp thì sẽ kích thích polyp nhanh tiến triển thành ung thư", bác sĩ Hưng nói.
Trung bình một ngày, phòng khám Hậu môn - Trực tràng của BV Đại học Y dược TP.HCM khám cho khoảng 70 bệnh nhân bị trĩ (chiếm khoảng gần 80%). Không ít bệnh nhân cứ khăng khăng với bác sĩ mình bị trĩ khi không biết rằng có nhiều bệnh có biểu hiện giống hệt trĩ.
Vì vậy, bác sĩ Hưng khuyến cáo bệnh nhân khi có triệu chứng như chảy máu hay có búi lòi ra ở hậu môn cần đến BV khám sớm để bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác với trĩ.
Hà Minh