Làm bánh ú tro đón Tết Đoan Ngọ

Theo truyền thống, Tết Đoan Ngọ diễn ra vào đúng thời điểm giữa trưa ngày 5/5 âm lịch. Đó là lúc dương khí cao nhất, bởi vậy, ăn bánh tro giúp cân bằng âm dương, đem lại lợi ích cho cơ thể.




Bánh tro có vị nhạt, tính mát, dễ tiêu, tốt cho tiêu hóa, thích hợp nhất với người già, trẻ nhỏ và phụ nữ vào những ngày hạ nắng nóng. Có lẽ vì thế mà bánh tro được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ, thời điểm nóng nhất trong năm.Bánh tro (miền Bắc gọi là bánh gio) còn gọi là bánh âm, do được làm ra từ nguyên vật liệu có tính âm - tro của nhiều loại cây (có thành phần khoáng chất, canxi, kali...) ngâm với gạo nếp.
Nguyên liệu (làm bánh tro không nhân)
-½ kg gạo nếp
-2 muỗng canh nước tro tàu
-Lá tre và dây để cột bánh
Cách làm:

,
- Nếp ngâm khoảng nửa ngày cho nở, sau đó xả lại nước cho sạch để ráo, cho nếp vào thau, dùng khoảng 1/2 chén cơm nước pha với hai muỗng canh nước tro tàu, quậy tan rồi cho vào thau nếp trộn đều, để qua đêm.
- Hôm sau mang nếp ra xả lại nước vài lần để ráo, trộn vào 1 muỗng canh dầu ăn xóc đều.
- Lá tre ngâm nước ấm cho lá mềm, rửa sạch, sau đó trụng nước sôi cho lá héo, mang lên để ráo lau khô.
- Xếp hai chiếc lá tre lại với nhau, gấp lại để tạo thành một chiếc phễu nhỏ, múc khoảng 2 muỗng canh nếp cho vào, gấp lại tạo thành hình tam giác, dùng dây cột chặt bánh lại.
- Sau khi đã gói hết phần nếp thì xếp bánh vào nồi, đổ nước cho ngập mặt bánh, nấu sôi bằng lửa to, khi bánh sôi thì giảm lửa vừa, nấu ba giờ là bánh chín.
- Nếu nước có cạn bớt thì thêm nước sôi cho ngập mặt bánh và nấu tiếp (lưu ý: nước lúc nào cũng phải ngập mặt bánh, không đủ nước bánh sẽ bị sống hoặc sượng, không dùng nước lạnh đổ vào khi cạn nước).
- Ăn bánh tro không nhân sẽ tốt hơn, nếu không, có thể chấm với mật mía hoặc đường.

Theo: saigonamthuc.thanhnien.com.vn